IMG_2491Thực trạng và nguyên nhân ô nhiễm nước sông Cầu Lường

Sông Cầu Lường là con sông đào nhỏ đổ ra sông Sặt thuộc địa phận của 3 xã Ngọc Lâm, Xuân Dục và Bạch Sam của huyện Mỹ Hào, tỉnh Hưng Yên. Con sông này có chiều dài 2,5 km, chiều rộng 30-50 m và sâu 3-4 m, là nơi cung cấp nguồn nước phục vụ tưới tiêu của 3 xã. Tuy nhiên, sau khi phát triển công nghiệp, dịch vụ thì sông Cầu Lường trở thành nguồn tiếp nhận nước thải chính của 15 doanh nghiệp (DN) dọc hai bên bờ sông với các loại hình sản xuất như giặt mài công nghiệp, chế biến thực phẩm, sản xuất sản phẩm nhựa, tái chế dầu DO từ cao su phế liệu…

Trong quá trình sản xuất, phần lớn, các DN đều không có hệ thống xử lý nước thải. Nước thải của sản xuất và sinh hoạt được xả trực tiếp ra sông thông qua hệ thống đường ống ngầm. Bên cạnh đó có một số DN (chiếm khoảng 30%) đã xây dựng hệ thống xử lý nước thải nhưng chưa đạt yêu cầu hoặc không vận hành liên tục nên nước thải sau xử lý không đạt quy chuẩn cho phép đối với nước thải công nghiệp (QCVN 40:2011/BTNMT). Ngoài ra, sông Cầu Lường còn là nơi tiếp nhận nước thải từ Khu công nghiệp Phố Nối A và nước thải sinh hoạt của các hộ gia đình sống dọc hai bên bờ sông, góp phần gia tăng mức độ ô nhiễm nguồn nước sông. Nguyên nhân chính gây ô nhiễm nghiêm trọng nguồn nước sông Cầu Lường là do nhận thức và ý thức chấp hành pháp luật BVMT của một số DN còn yếu kém; ý thức BVMT của người dân chưa cao và công tác quản lý nhà nước về môi trường tại địa phương còn hạn chế.

Tình hình thực thi pháp luật về BVMT của các DN

Để khắc phục những tồn tại và xung đột trong triển khai thực hiện các văn bản quy phạm pháp luật về kiểm soát ô nhiễm và BVMT nước tại sông Cầu Lường, góp phần đưa ra những khuyến nghị nhằm hoàn thiện hệ thống văn bản pháp luật về BVMT, trong tháng 3/2014, Trung tâm Môi trường và Phát triển cộng đồng thuộc Hội Bảo vệ Thiên nhiên và Môi trường Việt Nam đã tiến hành điều tra, phỏng vấn trực tiếp đại diện của 13 DN (thời gian hoạt động từ 4-5 năm, thậm chí còn lâu hơn) đang sản xuất, kinh doanh dọc hai bên bờ sông Cầu Lường về tình hình thực thi pháp luật BVMT của các DN.

Kết quả điều tra cho thấy, chỉ có 3 DN (Công ty TNHH Thiên Hà, Công ty TNHH Toàn Phát và Công ty Cổ phần SX và XNK Phương Đông) đã xây dựng hệ thống xử lý nước thải, còn lại các DN chỉ xây dựng bể lắng lọc nước thải thông thường hoặc không có hệ thống thu gom và xử lý nước thải, xả trực tiếp ra nguồn tiếp nhận. Điều này phản ánh nhận thức và ý thức thực thi pháp luật BVMT của các DN còn yếu kém. Một số DN chưa tuân thủ đúng và đầy đủ các quy định về BVMT như báo cáo đánh giá tác động môi trường, cam kết BVMT hoặc đề án BVMT. Ví dụ Công ty TNHH chế phẩm nhựa Gia Hưng (100% vốn Trung Quốc) được cấp phép đầu tư và đi vào hoạt động từ năm 2011 nhưng đến nay vẫn chưa được Sở TN&MT tỉnh Hưng Yên phê duyệt Đề án BVMT; Công ty TNHH Autocon Vina (100% vốn Hàn Quốc) hoạt động từ năm 2009 nhưng đến nay chưa tuân thủ đúng các thủ tục pháp lý bắt buộc về môi trường (theo giấy phép đầu tư công ty phải có Đề án BVMT nhưng thực tế công ty chỉ thực hiện Báo cáo đánh giá tác động môi trường và đến nay vẫn chưa được Sở TN&MT tỉnh Hưng Yên phê duyệt)

Nghiêm trọng hơn, các DN (chiếm 76,92%) đã xả nước thải ra môi trường nhưng không đăng ký giấy phép xả thải ra môi trường, không đăng ký sổ chủ nguồn thải chất thải nguy hại, không đăng ký giấy phép khai thác nước dưới đất, không có hợp đồng vận chuyển, xử lý chất thải nguy hại và chất thải công nghiệp. Một số DN thuê đơn vị thực hiện quan trắc chất lượng môi trường định kỳ 2 lần/năm, với các thông số phân tích đều nằm trong giới hạn cho phép của Quy chuẩn kỹ thuật, tuy nhiên, các kết quả này không phản ánh đúng thực tế. Một số DN đầu tư không đúng mục đích đã được cấp phép hoặc đầu tư quá công suất được phép, dẫn đến lượng nước thải vượt quá công suất của hệ thống xử lý.

Bên cạnh đó, kết quả điều tra cũng cho thấy, các DN thường gặp phải một số khó khăn như không có cán bộ chuyên môn phụ trách về môi trường, chủ yếu là cán bộ kiêm nhiệm. Do vậy, chỉ khi bị các cơ quan quản lý nhà nước về môi trường kiểm tra và xử phạt, các DN này mới biết vi phạm; Các văn bản pháp luật có nhiều thay đổi, DN không cập nhật kịp thời; Sự chồng chéo giữa các văn bản của Bộ NN&PTNT và Bộ TN&MT đã gây khó khăn cho DN trong quá trình thực hiện; Chưa có sự phối hợp giữa đơn vị cho thuê nhà xưởng và DN thuê để sản xuất kinh doanh trong việc thực thi pháp luật BVMT.

Ô nhiễm môi trường ảnh hưởng nghiêm trọng đến đời sống người dân

Các DN gây ô nhiễm đều thuộc địa phận xã Bạch Sam những người dân xã Ngọc Lâm lại phải hứng chịu những ảnh hưởng của ô nhiễm nguồn nước do nằm ở cuối nguồn sông Cầu Lường – nơi đổ ra hệ thống sông Bắc Hưng Hải. Dân số xã Ngọc Lâm khoảng 6.000 người sống tại 5 thôn: Vô Ngại, Nho Lâm, Hòe Lâm, Phúc Bố và Ngọc Lãng, trong đó thôn Vô Ngại với 500 hộ dân với dân số khoảng 1.700 người chịu ảnh hưởng nặng nề trực tiếp từ nguồn nước thải ô nhiễm.

Theo kết quả điều tra, phỏng vấn trực tiếp 70 người dân thôn Vô Ngại sống dọc hai bên bờ sông, hầu hết người dân đều cho rằng, nước sông bắt đầu bị ô nhiễm từ năm 2005 và từ năm 2011 đến nay, toàn bộ hệ thống sông này đã trở thành dòng sông chết do nguồn hóa chất thải ra làm cá chết nổi hàng loạt, mùi hôi thối bốc lên nồng nặc; gần 150 ha lúa lấy nước từ sông Cầu Lường bị ảnh hưởng, giảm năng suất 30-40%.

Do nước sông bị ô nhiễm nặng, bốc mùi hôi thối đã làm ảnh hưởng tới cuộc sống của nhiều gia đình. Một người dân thôn Vô Ngại đã chia sẻ: “Cứ khi nào nhà máy xả nước thì lại bốc mùi gây tức ngực không thở được, đêm ngủ phải bịt khẩu trang nhưng vẫn không sao hết mùi. Chúng tôi già rồi thì phải cố gắng chịu, chỉ thương cho mấy đứa cháu”. Đáng lo ngại hơn là tình hình bệnh tật cũng diễn biến phức tạp, nghiêm trọng nhất là năm 2011 trong thôn Vô Ngại có 9 người chết do ung thư, khiến cho người dân vô cùng hoang mang.

Phần lớn, các hộ gia đình đều sử dụng nước giếng khoan trong ăn uống và sinh hoạt. Tuy nhiên, hiện nay do ảnh hưởng của ô nhiễm nguồn nước sông, nên chất lượng nước ngầm suy giảm, nhiều gia đình phải lọc nước trước khi sử dụng, nhưng chất lượng nước vẫn chưa đảm bảo, gây ra các bệnh về đường tiêu hóa, ngoài da, ảnh hưởng trực tiếp đến sức khỏe của người dân.

Bà Phạm Thị Sao – người dân thôn Vô Ngại, cho biết: “Trước đây, nước sông chỉ hơi đen, không có mùi, vẫn có thể đánh cá ăn bình thường. Nhưng từ năm 2011 đến nay, nước sông có mùi hôi thối, nước đen kịt, không thể sử dụng để tưới tiêu cho cây trồng, cá đánh lên không thể ăn được”.

Bức xúc trước tình trạng nguồn nước sông bị ô nhiễm ảnh hưởng nghiêm trọng đến các hộ gia đình, sáng ngày 23/12/2013, hơn 200 người dân thôn Vô Ngại đã giăng cờ, đánh trống trước cổng UBND xã Ngọc Lâm để biểu tình, yêu cầu chính quyền giải quyết dứt điểm tình trạng ô nhiễm nguồn nước trên sông Cầu Lường. Đến chiều cùng ngày, người dân kéo đến trước cổng các công ty yêu cầu dừng hoạt động sản xuất, chấm dứt việc xả thải. Tuy nhiên, các công ty này đã đóng cửa, không tiếp người dân. Ngay sau đó, Sở TN&MT tỉnh Hưng Yên đã phối hợp cùng với UBND xã Ngọc Lâm, UBND huyện Mỹ Hào, Công an huyện Mỹ Hào, Cảnh sát môi trường tỉnh Hưng Yên tiến hành hòa giải và tổ chức vớt, xử lý 2 tấn dầu thải nổi trên mặt sông. Cuộc biểu tình của người dân tạm thời lắng xuống.

Kết luận

Vấn đề ô nhiễm môi trường nước sông Cầu Lường hiện nay đã ở mức báo động, ảnh hưởng nghiêm trọng đến cuộc sống của người dân sống hai bên bờ sông. Để giải quyết vấn đề này trước mắt cần phải có sự vào cuộc quyết liệt hơn nữa của các cấp, các ngành nhằm giám sát chặt chẽ việc xả nước thải sản xuất của các DN ra sông Cầu Lường và xử lý nghiêm các trường hợp vi phạm về môi trường. Bên cạnh đó, hoàn thiện hệ thống văn bản pháp luật BVMT, đặc biệt là các quy định về xử lý tranh chấp môi trường như hướng dẫn chi tiết về mẫu đơn, quy trình gửi đơn và cơ quan tiếp nhận, xử lý đơn khiếu kiện, đồng thời có các văn bản hướng dẫn về thành phần, thủ tục hòa giải và giá trị pháp lý của việc hòa giải; Hoàn thiện các văn bản hướng dẫn kỹ thuật về đánh giá thiệt hại, đền bù thiệt hại do ô nhiễm môi trường gây ra; Tổ chức tham vấn và minh bạch hóa thông tin về môi trường cho cộng đồng trước khi phê duyệt dự án đầu tư; Huy động sự tham gia tích cực các tổ chức xã hội tại địa phương trên tinh thần minh bạch, dân chủ và hợp tác.

Nguồn: CECoD