Báo động về tình trạng ô nhiễm không khí
Ô nhiễm không khí đe dọa sức khỏe của người dân ở khắp mọi nơi trên thế giới. Ước tính mới đây của WHO cho thấy rằng 9/10 người dân phải hít thở không khí chứa hàm lượng các chất gây ô nhiễm cao trong đó có bụi mịn. Ô nhiễm không khí cả ở bên ngoài và trong nhà gây ra khoảng 7 triệu ca tử vong hàng năm trên toàn cầu; chỉ tính riêng khu vực Tây Thái Bình Dương, khoảng 2,2 triệu người tử vong mỗi năm. Ở Việt Nam, ô nhiễm không khí do bụi mịn chiếm tỷ lệ cao. Việc hít thở hằng ngày trong môi trường khói bụi không chỉ gây ra các vấn đề về sức khỏe như viêm phổi, hen suyễn, còn ảnh hưởng đến tinh thần của con người.
Hưởng ứng ngày “Quốc tế sạch cho bầu trời xanh năm 2024”
Ngày Quốc tế Bầu trời xanh đầu tiên được tổ chức vào ngày 7 tháng 9 năm 2020 để thúc đẩy hợp tác giải quyết ô nhiễm không khí và cung cấp không khí sạch cho tất cả mọi người. Để góp phần vào những cố gắng chung của Việt Nam trong công cuộc bảo vệ bầu không khí trong lành, Sáng kiến “Giảm thiểu ô nhiễm không khí do hoạt động đốt mở, từ đó giảm các tác động tiêu cực đến hệ sinh thái và sức khỏe cộng đồng” đã được thực hiện từ 2023-2025 tại Hà Nội và Hải Dương với sự tài trợ của Cơ quan Phát triển Quốc tế Hoa kỳ (USAID) thông qua Dự án Giảm thiểu Ô nhiễm Tổ chức Winrock International quản lý thực hiện, Bộ Tài nguyên và Môi trường là cơ quan chủ quản, Cục Kiểm soát ô nhiễm môi trường là Chủ dự án.
Hành động về ô nhiễm không khí
Sáng kiến đã triển khai: Lắp đặt 30 thiết bị đo nhanh chất lượng không khí tại Hà Nội và Hải Dương với mục tiêu theo dõi chất lượng tại các khu vực “điểm nóng” về ô nhiễm không khí do hoạt động đốt mở.
Mô hình Thu gom, phân loại chất thải rắn sinh hoạt tại nguồn đã được thực hiện thí điểm tại thôn Tiền Vỹ, xã Thanh Hải, huyện Thanh Hà, tỉnh Hải Dương với 200 hộ gia đình tham gia thực hiện ủ chất thải hữu cơ tại nhà
Mô hình Xử lý rơm rạ sau thu hoạch đã được triển khai vụ 1 tại Kim Xuyên (Hải Dương) và Sóc Sơn, Hà Nội với diện tích xử lý hơn 200ha và hơn 1000 hộ dân tham gia mô hình, cam kết không đốt rơm rạ
Hành động tiếp theo?
Trong giai đoạn tiếp theo, Sáng kiến sẽ tiếp tục đồng hành cùng địa phương tại 2 xã Thanh Hải, Kim Thành tỉnh Hải Dương và huyện Sóc Sơn, TP Hà Nội trong mục tiêu giảm đốt rơm rạ và thực hiện phân loại chất thải rắn sinh hoạt tại nguồn.