Những ngày vừa qua, bão Yagi đã ảnh hưởng lớn đến sản xuất nông nghiệp, đặc biệt là diện tích lúa ở xã ta. Với lượng mưa lớn kèm theo gió mạnh, nhiều diện tích lúa của bà con bị ngập úng, gây thiệt hại không nhỏ đến năng suất và chất lượng lúa.
Ruộng lúa bị hư hại tại xã Kim Xuyên, Kim Thành, Hải Dương
Tàn dư thực vật tại ruộng bị mất trắng do bão Yagi xã Xuân Thu, Sóc Sơn, Hà Nội
Trong điều kiện thời tiết hiện nay, việc xử lý rơm rạ và tàn dư thực vật đúng cách là vấn đề bà con cần quan tâm. Để bảo vệ môi trường và nâng cao hiệu quả xử lý, giảm thiểu ô nhiễm không khí do đốt rơm rạ và các tàn dư thực vật mà còn giúp cải tạo đất, tiết kiệm chi phí phân bón và nâng cao năng suất vụ mùa, Trung tâm Môi trường và Phát triển Cộng đồng tiếp tục triển khai mô hình xử lý rơm rạ sau thu hoạch hỗ trợ bà con tại 2 xã Xuân Thu (Sóc Sơn, TP Hà Nội) và Kim Xuyên (Kim Thành, Hải Dương).
Tại vụ 1, CECoD đã phối hợp cùng Công ty Cổ phần CPART hỗ trợ bà con 2 xã xử lý 201,15 ha rơm rạ sau thu hoạch (tại Kim Xuyên là 102.73 ha và Xuân Thu là 98.42 ha). Tổng số 978 hộ dân tham gia ở 2 xã, ước tính lượng rơm rạ đã xử lý không đốt tại 2 địa phương là 1.482,95 tấn; giảm phát thải gần 9,9 tấn bụi mịn PM2.5.
Người dân sử dụng chế phẩm sinh học để xử lý rơm rạ trong vụ 1
Trong vụ 2 tới, CECoD cùng với UBND 2 xã dưới sự tài trợ của Cơ quan Phát triển Quốc tế Hoa Kỳ thông qua dự án Giảm thiểu ô nhiễm dự kiến sẽ hỗ trợ bà con tại 2 xã với diện tích 200ha ruộng lúa bị hư hại và mất trắng do bão Yagi gây ra.
Thời gian triển khai dự kiến từ tháng 10-12/2024.
Theo bà Đỗ Phương Chi, nguyên Giám đốc Trung tâm phân tích và Chuyển giao công nghệ môi trường (Viện Môi trường nông nghiệp), rơm rạ ngâm trong nước lũ lâu ngày sẽ tiềm ẩn nguy cơ phát sinh bệnh hại khi bà con gieo cấy vụ mới nếu không xử lý nền đất tốt. Việc sử dụng chế phẩm vi sinh để xử lý rơm rạ tại đồng ruộng, ngoài việc xử lý các chất hữu cơ còn giúp phục hồi nền vi sinh vật trong đất.