Thôn Tiền Vỹ, xã Thanh Hải, tỉnh Hải Dương cũng như nhiều vùng nông thôn khác tại Việt Nam hiện nay chất thải rắn sinh hoạt chưa được thu gom và xử lý hiệu quả. Toàn bộ chất thải phát sinh tại hộ gia đình như chất thải hữu cơ, chất thải tái chế giá trị thấp hay chất thải khác được thu gom và đưa ra bãi tập kết chung của địa phương, sau đó được xử lý bằng phương pháp đốt hoặc chôn lấp. Việc đốt chất thải sinh hoạt này ảnh hưởng rất lớn đến sức khỏe của người dân do lượng bụi mịn và các khí độc hại khác phát sinh trong quá trình đốt. Bên cạnh đó, khi đốt CTR sẽ phát sinh các chất khác gây ô nhiễm môi trường không khí, nước và đất.

Theo điều 75 Luật BVMT năm 2020, chất thải rắn (CTR) sinh hoạt (rác thải) phát sinh từ hộ gia đình, cá nhân được phân loại theo nguyên tắc như sau: CTR có khả năng tái sử dụng, tái chế; chất thải thực phẩm; CTR sinh hoạt khác. Đối với hộ gia đình, cá nhân ở nông thôn, Luật khuyến khích tận dụng tối đa chất thải thực phẩm để làm phân bón hữu cơ, làm thức ăn chăn nuôi. CTR có khả năng tái sử dụng, tái chế được chuyển giao cho tổ chức, cá nhân tái sử dụng; tái chế hoặc cơ sở có chức năng thu gom, vận chuyển CTR sinh hoạt. Hiện nay chỉ còn chưa đầy 6 tháng, việc phân loại tại nguồn bắt buộc phải được thực hiện, tuy nhiên tại nhiều địa phương vẫn đang gặp khó khăn trong việc triển khai. 

Trước đây, toàn bộ chất thải tái chế, chất thải hữu cơ và các chất thải sinh hoạt khác của xã Thanh Hải đều được thu gom về bãi rác tập trung. Để giải quyết vấn đề trên hướng tới thực hiện Luật BVMT 2020; Sáng kiến “Giảm thiểu ô nhiễm không khí do hoạt động đốt mở, từ đó giảm các tác động tiêu cực đến hệ sinh thái và sức khỏe cộng đồng” do Cơ quan Phát triển Quốc tế Hoa Kỳ (USAID) tài trợ thông qua tổ chức Winrock International đã hỗ trợ người dân tại xã Thanh Hải Thực hiện phân loại chất thải tại nguồn, thu gom chất thải sinh hoạt giá trị thấp thông qua Mô hình thu gom, phân loại và xử lý chất thải sinh hoạt tại nguồn.

Chiều ngày 02/7/2024, hơn 400 kg chất thải tái chế giá trị thấp do các hộ gia đình tại xã Thanh Hải, huyện Thanh Hà, tỉnh Hải Dương thực hiện phân loại và thu gom với sự hỗ trợ của Trung tâm Tư vấn Công nghệ và Bảo vệ thiên nhiên môi trường (CENPT) đã được bàn giao cho Công ty xử lý chất thải Seraphin để tiến hành xử lý. Chất thải tái chế sau khi thu gom sẽ được công ty tái chế tận dụng thành các sản phẩm khác thay vì đốt hoặc chôn lấp như trước đây. Điều này không chỉ giúp bảo vệ môi trường, tránh quá tải cho các bãi tập trung mà còn tận dụng được nguồn nguyên liệu cho mục đích khác, tiết kiệm chi phí,…

Sáng kiến Giảm thiểu ô nhiễm không khí do hoạt động đốt mở, từ đó giảm các tác động tiêu cực đến hệ sinh thái và sức khỏe cộng đồng” đang hỗ trợ người dân tại Tiền Vỹ, xã Thanh Hải, huyện Thanh Hà triển khai thí điểm mô hình thu gom, phân loại và xử lý chất thải rắn sinh hoạt tại nguồn. Đến nay, sau 7 tháng triển khai (từ tháng 01/2024), chất thải hữu cơ tại 200 hộ gia đình đã được xử lý trong thùng ủ tại nhà để làm phân bón hữu cơ. Nhằm gia tăng tỷ lệ chất thải được phân loại, thu gom và  tái chế, từ đó giảm lượng chất thải ra môi trường hoặc lượng chất thải phải xử lý , Sáng kiến thí điểm hoạt động thu gom, phân loại và xử lý phân loại chất thải tái chế giá trị thấp như túi nilon, vỏ bánh kẹo, vỏ hộp sữa,..

Các hộ gia đình thực hiện ủ chất thải hữu cơ tại nhà

Trong thời gian tới, các hộ gia đình thôn Tiền Vỹ sẽ tiếp tục thực hiện ủ chất thải hữu, phân loại chất thải tái chế tại nguồn. Dự kiến mô hình sẽ lan rộng ra toàn bộ các thôn khác trong xã Thanh Hải.