Hội nghị Tổng kết Dự án và Lễ bàn giao vốn cho địa phương
Dự án : “Nâng cao năng lực phát triển mô hình sinh kế bền vững nhằm giảm thiểu phụ thuộc rừng đặc dụng tại vùng đệm Vườn Quốc gia Bạch Mã”

Ngày 3/5, Trung tâm Môi trường và Phát triển Cộng đồng (CECoD) phối hợp với Ủy Ban Nhân Dân (UBND) huyện Nam Đông tổ chức Hội nghị tổng kết Dự án “Nâng cao năng lực phát triển mô hình sinh kế bền vững nhằm giảm thiểu phụ thuộc rừng đặc dụng tại vùng đệm Vườn Quốc gia Bạch Mã”. Dự án được thực hiện trong 2 năm với sự tài trợ của Chương trình tài trợ các dự án nhỏ tại Việt Nam thuộc Quỹ Môi trường Toàn cầu (UNDP-GEF/SGP) tại 2 xã Hương Lộc và Thượng Nhật của huyện Nam Đông, tỉnh Thừa Thiên Huế.
Tham dự Hội nghị Tổng kết có khoảng 40 đại biểu, bao gồm: Điều phối viên Chương trình tài trợ các dự án nhỏ tại Việt Nam (UNDP- GEF/SGP); Lãnh đạo Sở Nông nghiệp và Phát triển Nông thôn, Lãnh đạo Quỹ Phát triển Rừng, Lãnh đạo UBND huyện Nam Đông; Phòng Nông nghiệp và Phát triển Nông thôn huyện Nam Đông; Đại diện lãnh đạo 02 xã triển khai Dự án; Ban quản lý Quỹ Phát triển sinh kế của 02 xã cùng 20 hộ nông dân tiêu biểu trong việc sử dụng vốn vay phát triển sinh kế; Nhóm chuyên gia của Trung tâm Phát triển Nông thôn miền Trung (CRD); Lãnh đạo và cán bộ của Trung tâm Môi trường và Phát triển Cộng đồng (CECoD). Đặc biệt Hội nghị đã có sự tham dự của nhóm đánh giá thực hiện Dự án độc lập và các phóng viên báo chí, truyền hình của tỉnh Thừa Thiên Huế.
Tại Hội nghị, các đại biểu đã được nghe các báo cáo đúc kết từ những bài học kinh nghiệm, thành quả đã đạt được của Dự án từ Trưởng Ban điều hành Dự án – CECoD; Báo cáo các mô hình sinh kế dự án đã triển khai và các khuyến nghị chính sách cho địa phương từ trưởng nhóm chuyên gia CRD; Báo cáo từ trưởng ban quản lý Quỹ Phát triển sinh kế của 02 xã Hương Lộc và Thượng Nhật và Báo cáo đánh giá từ Trưởng nhóm Đánh giá Dự án.
Ông Mai Quang Huy- Trưởng đoàn đánh giá độc lập- Chi Cục Lâm Nghiệp tỉnh Thừa Thiên Huế, nhận định: “Một số hộ dân từ hộ nghèo, cận nghèo trước khi tham gia Dự án nay đã thoát nghèo. Đặc biệt, đối với xã Thượng Nhật với 95% dân số là đồng bào dân tộc thiểu số Cơ Tu, dưới sự hỗ trợ từ các Chuyên gia với lực lượng tiên phong là Đoàn Thanh niên đã tạo một bước đệm lớn trong “khởi nghiệp” và từ đó chủ động tìm kiếm mô hình sinh kế phù hợp với điều kiện của gia đình, giảm vào rừng khai thác lâm sản”.
Cũng tại buổi Hội nghị, Lãnh đạo Sở Nông nghiệp và Phát triển Nông thôn tỉnh Thừa Thiên Huế, cho biết: “02 xã Hương Lộc và Thượng Nhật là 02 xã nằm trong vùng đệm của Vườn Quốc gia Bạch Mã, sống gần khu rừng có sự đa dạng bậc nhất Việt Nam. Tuy nhiên, đời sống bà con gặp nhiều khó khăn. Trước đây, xã Thượng Nhật có nhiều vụ án nóng về vấn đề nạn phá rừng, nhưng số liệu thu thập được thông qua khảo sát cho thấy, từ năm 2017 số vụ chặt phá rừng đã giảm đến 94%. Đó là thành quả của sự vào cuộc của các cấp chính quyền địa phương, đặc biệt có sự góp phần không nhỏ của Dự án.
Tại Hội nghị, các bên cùng thảo luận và thông qua những nguyên tắc, quy chế đảm bảo tiếp tục duy trì và phát triển nguồn vốn của Quỹ Phát triển sinh kế và nhân rộng kết quả đạt được của Dự án trên địa bàn 02 xã. Tiếp sau đó, Điều phối viên của Chương trình tài trợ các dự án nhỏ tại Việt Nam thuộc Quỹ Môi trường Toàn cầu (UNDP-GEF/SGP), Lãnh đạo UBND huyện Nam Đông, Lãnh đạo 2 xã Hương Lộc và Thượng Nhật, Lãnh đạo Ban Quản lý Quỹ của 2 xã và Giám đốc Trung tâm Môi trường và Phát triển cộng đồng đã ký biên bản bàn giao vốn cho địa phương với mong muốn hỗ trợ những hộ gia đình thực sự khó khăn trên địa bàn đang phải sống phụ thuộc vào rừng, cùng cải thiện cuộc sống thông qua việc trồng trọt và chăn nuôi.
Kết thúc Hội nghị, ông Trần Quốc Phụng, Phó Chủ tịch UBND huyện Nam Đông và ông Võ Văn Dự, Phó Giám đốc Sở Nông nghiệp và Phát triển Nông thôn tỉnh Thừa Thiên Huế đã trao tặng bằng khen cho 02 gia đình chị Lê Thị Thu Hiền (thôn 2, xã Hương Lộc) và anh Hồ Văn Dưa (thôn 3, xã Thượng Nhật) đã có thành tích cao trong việc phát triển mô hình, trở thành tấm gương sáng để bà con nhân dân 02 xã có động lực học hỏi và phát huy. Trao đổi tại Hội nghị, anh Hồ Văn Dưa cho biết: “Bản thân tôi sẽ tiếp tục nỗ lực để số vốn ban đầu ngày càng lớn hơn bằng cách phát triển đa dạng sinh kế. Hy vọng những gì tôi làm được hôm nay sẽ giúp các thanh niên trong thôn nhận thức được lợi ích của mô hình phát triển sinh kế và cùng nhau phát triển trồng trọt, chăn nuôi không còn đi vào rừng, bảo vệ cho Bạch Mã mãi xanh đẹp…”
Một số hình ảnh của buổi tổng kết: