Thực hiện Quyết định số 5015/QĐ-BYT ngày 03/12/2014 của Bộ Y tế về việc thành lập đoàn kiểm tra đánh giá tình hình phơi nhiễm chì đối với người dân thôn Đông Mai, xã Chỉ Đạo, tỉnh Hưng Yên. Ngày 05/12/2014, đoàn công tác gồm Lãnh đạo và chuyên viên Cục Quản lý môi trường Y tế, Lãnh đạo và cán bộ chuyên môn Viện Sức khỏe nghề nghiệp và môi trường, Cán bộ trung tâm chống độc bệnh viện Bạch Mai, Phó giám đốc Sở Y tế Hưng Yên, Giám đốc Trung tâm y tế huyện Văn Lâm do TS. Nguyễn Thị Liên Hương – Phó Cục trưởng Cục Quản lý môi trường y tế làm trưởng đoàn.

Đoàn công tác đã nghe báo cáo của các ban, ngành, địa phương tỉnh về tình hình sức khỏe của trẻ em và người dân, tình hình ô nhiễm môi trường tại làng nghề. Theo báo cáo của địa phương: hiện nay trong 63 hộ tái chế chì đã có 38 hộ được dự án Blacksmith thay đất mặt hoặc lát gạch, bê tông; hiện tại vẫn còn 12 hộ gia đình làm nghề thu mua, phá dỡ bình ắc quy hỏng trong khu vực dân cư sinh sống. Đoàn đã trao đổi thẳng thắn về các vấn đề: việc di dời các hộ sản xuất ra khỏi khu dân cư, công tác bảo hộ lao động cho người lao động tái chế chì, các biện pháp phòng chống nhiễm độc chì cho trẻ em và người lao động tại làng nghề, công tác vệ sinh môi trường cộng đồng.

Buổi sáng cùng ngày, đoàn đi khảo sát thực địa về công tác vệ sinh môi trường làng nghề, điều kiện vệ sinh lao động, nguy cơ phơi nhiễm chì của cộng đồng, người lao động. Cán bộ Viện Sức khỏe nghề nghiệp và môi trường thực hiện việc kiểm tra vệ sinh môi trường tại 3 xóm: xóm Chùa, xóm Bắc, xóm Đông; kiểm tra 9 hộ dân, 1 trạm y tế xã và trường tiểu học xã Chỉ Đạo đồng thời tiến hành lấy mẫu đất (gồm đất được thay và đất chưa được thay), nước (nước giếng khoan, nước mặt, nước sạch do trạm cấp nước của xã cung cấp), mẫu không khí và rau để kiểm tra một số chỉ số vệ sinh, nồng độ chì.

Vỏ bình ắc qui dùng ngăn vườn trồng cây xanh

Qua công tác kiểm tra cho thấy: Đa số đường làng đã được bê tông hóa, vệ sinh đường làng ngõ xóm sạch sẽ tuy nhiên vẫn còn tình trạng dùng vỏ bình ắc quy xây tường rào, ngăn vườn hoặc trồng cây xanh. Ngoài những hộ đã được dự án thay đất thì những hộ còn lại vẫn có nguy cơ cao về ô nhiễm chì trong đất. Trong thôn có nhiều xưởng liền kề với nhà dân thực hiện việc phá dỡ ắc qui. Hoạt động này ngoài nguy cơ ô nhiễm chì còn có các nguy cơ khác như tiếng ồn, axit sunfuaric …Người lao động tại làng nghề chưa được trang bị đầy đủ các phương tiện bảo hộ cá nhân, chưa có nhà tắm và nơi thay quần áo trước khi ra về. Chủ cơ sở sản xuất chưa thực sự quan tâm đến việc đo môi trường lao động và khám sức khỏe định kỳ cho người lao động làng nghề. Tình trạng ô nhiễm môi trường chưa được giải quyết triệt để tại khu dân cư, trong khi nguồn ô nhiễm tại các cơ sở sản xuất, đặc biệt là 12 hộ gia đình trong khu dân cư vẫn đang phát thải hàng ngày.

Kết quả phân tích của Viện Sức khỏe nghề nghiệp và môi trường ngày 12/12/2014 cho thấy một số mẫu đất, thực phẩm nước thải, không khí có nồng độ chì cao hơn tiêu chuẩn cho phép. Nguy cơ phơi nhiễm chì không chỉ ở trẻ em mà cả ở người dân rất cao, đặc biệt là những người lao động đang làm việc tại các cơ sở tái chế chì, đoàn công tác đã đưa ra một số khuyến nghị: can thiệp làm giảm nguồn ô nhiễm chì, giảm tiếp xúc của người lao động và người dân với nguồn chì; Tuyên truyền, vận động người dân thực hiện vệ sinh nước sạch nông thôn. Hỗ trợ đào tạo chuyên môn điều trị thải chì, gắp chì cho y tế tuyến huyện, tỉnh. Duy trì công tác theo dõi chăm sóc chế độ khám sức khỏe định kỳ cho người dân tại làng nghề Đông Mai và phát hiện sớm những trường hợp bị nhiễm độc chì mới để tư vấn đưa đi điều trị kịp thời. Ngoài ra, để giúp người dân hiểu rõ mối nguy cơ và dự phòng nhiễm độc chì, Viện Sức khỏe nghề nghiệp và môi trường đã mở số điện thoại tổng đài tư vấn miễn phí cho bố mẹ gia đình các cháu có phơi nhiễm chì.