Thôn Tiền Vỹ là một trong năm thôn của xã Thanh Hải, huyện Thanh Hà, tỉnh Hải Dương với gần 926 hộ gia đình và 3320 nhân khẩu. Toàn xã Thanh Hải có hơn 3.900 hộ gia đình và gần 14.000 nhân khẩu. Lượng chất thải rắn sinh hoạt phát sinh hàng ngày của xã Thanh Hải cần được thu gom và xử lý rất lớn. Mỗi ngày, xã Thanh Hải phát sinh một lượng chất thải sinh hoạt ước tính chục tấn.
Hiện nay, thôn Tiền Vỹ cũng như nhiều vùng nông thôn khác, vẫn chưa có biện pháp thu gom và xử lý chất thải triệt để. Chất thải sinh hoạt bao gồm chất thải có khả năng tái sử dụng, tái chế, chất thải thực phẩm và các chất thải rắn sinh hoạt khác không được phân loại, chủ yếu được gom ra bãi rác tập trung và đốt. Việc đốt chất thải gây ra bụi mịn và nhiều khí độc hại, ảnh hưởng trực tiếp đến sức khỏe người dân và làm ô nhiễm nghiêm trọng môi trường không khí, nước và đất.
Để giải quyết vấn đề này, chính quyền xã Thanh Hải phối hợp với Trung tâm Môi trường và Phát triển Cộng đồng (CECoD) đã triển khai mô hình phân loại chất thải và ủ phân hữu cơ với sự hỗ trợ của Sáng kiến “Giảm thiểu ô nhiễm không khí do hoạt động đốt mở, từ đó giảm thiểu các tác động tiêu cực tới hệ sinh thái và sức khỏe cộng đồng”. Đây là một Sáng kiến thuộc Dự án “Giảm thiểu ô nhiễm” do USAID tài trợ và đang được Winrock International phối hợp với Cục Kiểm soát ô nhiễm môi trường (Bộ Tài nguyên và Môi trường) quản lý thực hiện. Thôn Tiền Vỹ được chọn làm đơn vị thí điểm mô hình, với 200 hộ gia đình được cung cấp thùng ủ, men vi sinh để xử lý chất thải hữu cơ tại nhà.
Hộ gia đình ông Nguyễn Thế Dũng đã tích cực tham gia vào dự án. Gia đình ông có bốn nhân khẩu, mỗi ngày thải bỏ từ 3-5kg chất thải hữu cơ. Nhờ có thùng ủ men vi sinh, gia đình ông đã giảm đáng kể lượng rác thải ra môi trường.
Quá trình ủ phân hữu cơ từ chất thải thực phẩm được diễn ra trong 5-7 ngày với các loại chất thải thực phẩm như vỏ trái cây, rau củ quả và các phần thải bỏ sau khi sơ chế món ăn, lá khô, bã trà, v.v (không bao gồm thức ăn thừa từ động vật) cho vào thùng và tưới rắc men vi sinh đậy kín. Sau 5 ngày, nước rỉ rác pha loãng với nước là có thể đem bón tưới cây cho cây trồng.
Sau 30-45 ngày, lớp bã phân bùn đáy thùng có thể dùng để bón cho cây trồng.
Ông Dũng chia sẻ: “Trước đây, chúng tôi không phân loại rác và phải vứt bỏ rất nhiều. Từ khi có thùng ủ, lượng rác giảm đi đáng kể và chúng tôi có phân bón tự nhiên cho vườn rau. Bây giờ tôi chịu trách nhiệm ủ phân và tưới vườn rau luôn, rau mọc rất tốt. Bình thường mình vứt rác đi, nhưng giờ mình lại còn lấy lại được tiền từ rác thải, chính là nó tạo ra phân bón, đỡ tốn tiền mua phân bón cho cây.”
Bà Nguyễn Thị Nghiên, vợ ông Dũng, là thành viên của Hội Phụ nữ xã Thanh Hải cũng đã tham gia lớp tập huấn về ủ phân hữu cơ. Gia đình bà Nghiên và ông Dũng hiện đang tích cực tham gia sáng kiến về phân loại chất thải tại hộ gia đình, thu gom các loại chất thải tái chế giá trị thấp như nilon, giấy báo để đơn vị đối tác của CECoD là Trung tâm Tư vấn Công nghệ và Bảo vệ thiên nhiên môi trường (CENPT) chuyển cho công ty xử lý, giảm tải cho các bãi tập kết rác tập trung.
Bà Nghiên chia sẻ: “Tham gia lớp tập huấn giúp tôi nhận thức rõ hơn về tầm quan trọng của việc phân loại rác. Trước đây, chúng tôi không để ý, nhưng bây giờ cả gia đình cùng chung tay phân loại, tái chế rác, giúp môi trường sống trong lành hơn.”
Mô hình phân loại chất thải tại nguồn và xử lý chất thải hữu cơ tại thôn Tiền Vỹ đã chứng minh được hiệu quả trong việc cải thiện môi trường sống và nâng cao ý thức bảo vệ môi trường của người dân. Sự thành công của dự án không chỉ giúp giảm tải lượng chất thải mà còn tạo ra nguồn phân bón hữu cơ, giúp cải thiện năng suất nông nghiệp và tiết kiệm chi phí cho người dân. Trong thời gian tới, Sáng kiến hy vọng mô hình sẽ được nhân rộng.
Phó Chủ tịch UBND xã Thanh Hải, ông Phạm Khắc Tạo, nhấn mạnh: “Chúng tôi đang lên kế hoạch mở rộng mô hình này ra toàn xã. Việc phân loại rác tại nguồn không chỉ giúp bảo vệ môi trường mà còn đem lại lợi ích kinh tế cho người dân.”
Trong tương lai, việc mở rộng và áp dụng rộng rãi mô hình phân loại rác tại nguồn sẽ là bước đi quan trọng, góp phần vào mục tiêu phát triển bền vững và bảo vệ môi trường trên toàn quốc. Thôn Tiền Vỹ đã và đang trở thành biểu tượng cho sự đổi mới và cam kết bảo vệ môi trường, tạo nên một tiền đề vững chắc cho những thay đổi tích cực trong tương lai.