Trong khuôn khổ “Dự án Khắc phục ô nhiễm chì tại làng nghề tái chế chì thôn Đông Mai” trong thời gian từ tháng 11/2013 đến tháng 1/2014, Dự án đã tiến hành xử lý đất nhiễm chì tại 38 hộ gia đình với tổng diện tích đất xử lý là 1.953 m2/
Hiện trạng các khu vườn trước khi thực hiện Dự án
Các khu vườn đều có hàm lượng chì trong đất ở mức trung bình và cao theo kết quả đo nhanh tại hiện trường bằng thiết bị XRF. Tại các khu vườn này, sau khi đào các hố thử nghiệm có độ sâu từ 20 – 100 cm thì kết quả đo cho thấy hàm lượng chì ở lớp đất phía dưới đều cao hơn lớp đất phía trên. Người dân cũng cho biết rằng trước đây các khu vườn này đều đã diễn ra các hoạt động tái chế chì do đó càng đào sâu xuống lớp đất phía dưới thì hàm lượng chì càng cao.
Hầu hết các khu vườn đều trồng các loại cây trồng ngắn ngày như rau, cỏ, hoa màu…Ở một số gia đình còn trồng các cây lâu năm và cây ăn quả như bưởi, nhãn, sấu… Trên bề mặt còn có một số loại vật liệu như gạch vỡ, đá, nilon, và đặc biệt là các bình ắc quy thường được người dân sử dụng để làm đường đi trong vườn. Phần lớn đất trong vườn tương đối đồng nhất. Mực nước ngầm trong khu vực là tương đối cao, một số khu vườn trước đây là ao.
a. Các phương án công nghệ giảm thiểu ô nhiễm chì trong đất
Phương án che phủ bằng đất hoặc cát sạch: Đối với các khu vườn ô nhiễm có diện tích lớn (>30 m2) và có nhu cầu tiếp tục sử dụng để làm vườn, sẽ tiến hành cách ly khu đất ô nhiễm bằng phương pháp che phủ bề mặt bằng đất sạch hoặc cát sạch.
Các bước tiến hành như sau:
Bước 1: Chuẩn bị bề mặt: trước khi tiến hành che phủ cần chuẩn bị bề mặt khu đất bị nhiễm chì bao gồm:
– Phát quang, thu hoạch các loại rau, cỏ…đang trồng trong vườn;
– Nhặt các loại gạch, đá vỡ, bao bì chai lọ ra khỏi khu vực dự kiến che phủ;
– San gặt mặt bằng để lấy cao độ.
Bước 2: Kiểm tra hàm lượng chì trong đất trước khi làm sạch bằng thiết bị XRF.
Bước 3: Tiến hành che phủ:
– Phủ một lớp cát sạch dày 5÷10 cm trên bề mặt khu vực đất ô nhiễm chì
– Trải toàn bộ bề mặt vườn bằng vải địa kỹ thuật
– Phủ một lớp đất hoặc cát sạch toàn bộ khu vực đã trải vải địa kỹ thuật bề dày từ 15÷20 cm.
Bước 4: Kiểm tra hàm lượng chì trong đất sau khi làm sạch bằng thiết bị XRF.
Phương án đổ bê tông, lát gạch: Đối với các khu vườn ô nhiễm chì có diện tích nhỏ (< 30 m2) và không có nhu cầu tiếp tục sử dụng để làm vườn, sẽ tiến hành cách ly khu đất ô nhiễm bằng phương pháp đổ bê tông bề mặt (đối với khu vực đường đi lại) hoặc lát gạch (đối với sân, tiếp giáp với sân).
Bước 1: Chuẩn bị bề mặt: Trước khi tiến hành cách ly khu vực đất bị nhiễm chì cần chuẩn bị bề mặt khu đất bị nhiễm chì. Công tác chuẩn bị bao gồm:
– Phát quang, thu hoạch các loại rau, cỏ… đang trồng trên khu đất bị nhiễm chì;
– Nhặt các loại gạch, đá vỡ, bao bì chai lọ… ra khỏi khu vực dự kiến che phủ;
– San gặt mặt bằng để lấy cao độ, tạo độ dốc từ 1÷3%
Bước 2: Kiểm tra hàm lượng chì trong đất trước khi tiến hành đổ betong hoặc lát gạch bằng thiết bị XRF.
Bước 3: Tiến hành: Các bước tiến hành che phủ bằng cách đổ bê tông hoặc lát gạch như sau:
– Trải toàn bộ bề mặt bằng vải địa kỹ thuật (với những khu vườn có cây lâu năm cần khoanh vùng gốc cây trước khi tiến hành);
– Phủ một lớp cát sạch dày 5 ÷ 10 cm trên bể mặt khu vực đã trải vải địa kỹ thuật;
– Tiến hành đổ bê tông dày 8÷10 cm hoặc lát gạch;
Bước 4: Kiểm tra lại nồng độ chì trong khu đất bằng thiết bị XRF.
b. Kết quả quá trình làm sạch chì trong đất
Hiệu quả về kỹ thuật mong muốn đạt được của hoạt động này là đảm bảo ngăn ngừa ô nhiễm chì với chi phí thấp nhất và đạt hiệu quả cao nhằm góp phần bảo vệ môi trường và sức khỏe của người dân địa phương. Kết quả của hoạt động làm sạch chì trong vườn được đánh giá là đạt hiệu quả xử lý, cô lập hoàn toàn đất ô nhiễm chì: hàm lượng chì đo được tại địa điểm xử lý của 38 hộ gia đình đều ở mức rất thấp: dưới 50 ppm. Hầu hết các hộ gia đình đều rất hài lòng và cảm ơn Dự án đã giúp đỡ họ xử lý đất nhiễm chì trong vườn cũng như thể hiện cam kết duy trì và giữ gìn vệ sinh môi trường tốt tại các khu vực sau khi kết thúc Dự án.